Thời Tam quốc, Mã Tốc là tướng nước Thục được học nhiều về binh thư và
giỏi về binh pháp. Khi quân Nguỵ do Đô đốc Tư Mã Ý thống lĩnh tấn công vào quân
Thục trên đường rút về Hán trung, Thừa tướng nước Thục là Gia cát Lượng chọn
tướng cầm quân ra phòng thủ chặn địch ở Nhai Đình, Mã Tốc xin đi. Khổng Minh
biết Mã Tốc giỏi về binh pháp nhưng thiếu chín chắn, nên không muốn giao trọng
trách đó cho y. Mã tốc cố nài nỉ, Khổng Minh đành chấp nhận nhưng vẫn còn lo
lắng, nếu mất Nhai Đình thì quân Thục "sẽ biết về đâu bây giờ". Bởi
vậy, Gia cát Lượng cử thêm một Thượng tướng Vương Bình giúp Mã Tốc việc tác
chiến phòng thủ và dặn rằng "Hễ hạ trại tìm chỗ hiểm yếu để giặc không đi
lọt được, gặp việc gấp phải thương lượng nhau mà làm". Khi đến Nhai Đình
bố trí phòng thủ xong phải vẽ địa đồ mang về cho Quân sư xem xét. Mã Tốc lĩnh
mệnh cất quân ra đi, đến nơi, tướng Thục thấy địa hình Nhai Đình "có một
trái núi bốn mặt liên tiếp với nhau, lại có cây cối, rộng rãi, hiểm trở"
liền cho quân sĩ chiếm trái núi ấy (điểm cao) phòng ngự mà không hạ trại nơi có
con đường chạy qua. Thượng tướng Vương Bình thấy vậy liền tâu với Mã Tốc rằng ở
địa thế thực tại của Nhai Đình cần phải bố trí phòng thủ vị trí thấp án ngữ con đường huyết mạch để chặn giặc và dễ dàng
ra suối lấy nước ăn uống cho quân sĩ, không nên đóng quân trên cao khó chặn
giặc "đóng quân ở giữa đường, đắp nên thành luỹ, quân giặc đông cũng không
qua được, nếu đóng trên núi quân giặc vây kín thì làm thế nào". Mã tốc
không nghe lời Vương Bình "Ta thuộc lầu binh thư, thông hiểu binh pháp,
đứng trên cao trông xuống dưới mà đánh, dễ như chẻ tre". Nói rồi cứ thế bố
trí quân lính phòng thủ trên núi và vẽ địa đồ gửi về cho Khổng Minh. Nhận được
địa đồ do Mã Tốc gửi về, xem xong Gia Cát Lượng giật mình dậm chân xuống đất
kêu trời "Mã Tốc không biết gì, làm hại mất quân ta rồi, nếu mất Nhai Đình
ta biết về đâu bây giờ". Tư Mã Ý đến Nhai đình biết được Mã Tốc chiếm các
điểm cao liền cười mà nói "Nếu quân Thục đóng quân trên núi thì trời cho
ta thành công đây" liền sai quân lính chẹn hết các đường xuống suối lấy
nước, bao vây quân quân Thục, đốt lửa xung quanh núi. Quân Thục không có nước
uống, cạn lương, sức khoẻ và nhuệ khí rệu rạo, Tư Mã Ý chưa kịp đánh, quân Thục
đã ra hàng rất nhiều. Mã Tốc chạy toát về ra măt Khổng Minh xin chịu tội chết.
Khổng Minh gạt lệ chém Mã Tốc.
Thế
mới biết trong chiến đấu, người cầm quân phải linh hoạt sáng tạo, không được
máy mọc thì mới giành được chiến thắng. Kiến thức học ở trường chỉ là cơ sở để
vận dụng vào thực tế chiến trường. "Học phải đi đôi với hành, lý luận phải
gắn liền với thực tiễn" Binh pháp chỉ ra khi rằng phòng thủ phải chiếm địa
hình cao, có lợi, để tạo thế trong chiến đấu, nhưng tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể,
điều kiện thực tế của từng loại địa hình, của từng trận đánh để người chỉ huy
bố trí lực lượng, xây dựng thế trận để vừa có thế giữ vừa có thế đánh và thế
thắng. Sự quyết đoán của người cầm quân là hết sức cần thiết nhưng phải dựa
trên cơ sở thực tiễn và các điều kiện cho phép, Phải biết tận dụng các vấn đề
có lợi phục vụ cho sự quyết đoán của mình. Đồng thời phải tranh thủ trí tuệ và
ý kiến của cấp dưới để hoàn chỉnh quyết tâm chiến đấu của mình.
Nguyễn Văn Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét