Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

NUÔI RẮN HỔ MANG-RỦI RO VÀ NGUY HIỂM

Phụng Thượng là một xã thuần nông, một trong những vựa lúa của huyện, đất ở đây mầu mỡ, dễ canh tác, lúa tốt, hạt mẩy, năng xuất cao, gạo ngon cơm dẻo. Tuy nhiên, Phụng Thượng có dân số đông, diện tích hẹp, ruộng đất cứ ít dần so với tỷ lệ tăng dân số (người đẻ chứ ruộng đất không đẻ), nên lao động dôi dư nhiều, việc làm thiếu. Người dân Phụng Thượng năng động, sáng tạo, luôn vươn lên chiến thắng đói nghèo và tìm cách làm giầu bằng chính đôi tay, khối óc, sức lực của mình. Họ làm nhiều nghề, đi đến nhiều nơi để buôn bán và tổ chức làm nghề phụ, chăn nuôi các loại động vạt hoang dã từ gấu, nai, kỳ đà, trăn, rắn... Đặc biệt là người dân Phụng Thượng chú trọng chăn nuôi rắn hổ mang xuất khẩu, đây là một nghề nguy hiểm, có thể nói là nghề nuôi rắn "tử thần". Bởi vì, rắn hổ mang có hai loại đó là rắn hổ mang bành (hổ mang phì) và hổ mang chúa. Rắn hổ mang bành có nọc rất độc nhưng không thể độc bằng rắn hổ mang chúa. Rắn hổ mang chúa có nọc cực độc, người hoặc động vật bị loại rắn này coi như lĩnh án tử hình, ít có khả năng cứu chữa được. Khi nọc rắn hổ mang chúa đã vào máu thì đành bó tay, kể cả những ông lang giỏi nhất của nghề chữa rắn cắn đến những bệnh viện hiện đại nhất cũng khó mà chữa khỏi.
          Trò chuyện với anh Đỗ Thế Thọ, tôi được biết thêm: ở xã Phụng Thượng của anh hiện nay có 19 cô gái tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã là những người đàn bà goá chồng do chồng của họ bị rắn hổ mang chúa cắn. Mặc dù các đức ông chồng của các cô đều là những người nuôi rắn hổ mang cự phách, nhưng họ đã "tử vì nghệ". Đa số họ chết khi bị chính những con rắn hổ mang chúa của mình cắn với nhiều tình huống bất khả kháng khác nhau. Mà đã bị hổ mang chúa cắn coi như cầm chắc cái chết, mặc dù họ đều có kinh nghiệm nuôi rắn và chữa rắn độc cắn. Họ bị rắn cắn trong quá trình chăm sóc rắn, cho rắn ăn, chỉ một chút lơ là, bất cẩn mà tính mạng của họ bị huỷ hoại. Có người vừa mở nắp hầm nuôi rắn ra, liền bị hổ mang chúa mổ đúng vào môi nên không thể garo được, chất độc ngấm vào máu, người tím tái đến chết. Có người vừa mở tủ quần áo ra liền bị rắn hổ mang chúa nằm trong tủ lúc nào không biết mổ vào mặt thế rồi cũng không thể thoát được lưỡi hái của tử thần. Hầu hết, những người bị rắn hổ mang chúa cắn mặc dù biết chết nhưng đành chịu bó tay, chỉ dặn vội vợ con phải cận trọng hơn trong khi chăm sóc rắn và đến lứa thì bán đi đừng nuôi chúng nữa, kẻo hại đến tính mạng. Họ ra đi để lại những người vợ trẻ, những đứa con thơ và món tiền nợ ngân hàng lên đến hàng chục triệu đồng.
          Tâm sự với tôi, anh Đỗ Thế Thọ kể tiếp: hiện nay tôi không còn nuôi rắn hổ mang chúa nữa mà chuyển sang làm nghề khác vì nuôi rắn nguy hiểm quá, nguy hiểm không những cho mình mà cho cả vợ con và gia đình nữa. Anh biết không, nghề nuôi rắn hổ mang cũng đầy rủi ro; nguy hiểm thì ai cũng biết nhưng rủi ro thì có ở trong nghề mới rõ. Chỉ cần rắn bị bệnh, bỏ ăn, không lớn được hoặc bị chết thì người nuôi rắn sẽ bị lỗ nặng, tiền vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con, có khi dẫn đến phá sản. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là nguy hiểm cận kề. Hồi đó, đàn rắn nhà tôi có một con hổ mang chúa khá to, nặng khoảng trên 7 kg, nhà tôi hôm ấy gặp may nếu không thì chưa biết điều gì đã xảy ra. Buổi tối hôm trước khi cho rắn ăn, tôi đậy nắp hầm không kín, với sức mạnh của con rắn lớn, trưa hôm sau, lúc đói, nó đội nắp hầm chui ra ngoài, bò thẳng đến tấm phản nơi có đứa con trai 3 tuổi của tôi đang nằm ngủ, nó trườn qua người thằng bé, vợ chồng tôi nhìn thấy rợn hết tóc gáy nhưng đành phải đứng bất động nhìn con rắn trườn trên người đứa con yêu thương của mình mà không làm gì được, chỉ cần thằng bé cựa quậy là cháu sẽ bị nó cắn ngay và chúng tôi sẽ mãi mãi mất con. May thay, thằng bé vẫn ngủ ngon lành, không hay biết gì cả, con rắn từ từ trườn vào gầm giường nơi mát mẻ nằm cuộn tròn ở đó. Vợ tôi vội rón rén đến bế con lên tránh xa con rắn đó, tôi bình tĩnh vào gầm giường túm đuôi lần theo lưng rắn, chẹn ngang đầu, bắt nó thả vào hầm nuôi đậy kín lại và cho nó ăn. Thật là hú vía, xong việc chân tay chúng tôi mới run lên bầy bật, may mà có trời phật giúp đỡ chứ không thì hôm đó chúng tôi đã bị mất đứa con trai yêu quý của mình. Sau này lứa rắn đó lớn lên đủ trọng lượng xuất chuồng, gia đình tôi bán đi tất cả và quyết định từ đó không bao giờ nuôi rắn độc trong nhà nữa. Nhưng ở xã Phụng Thượng thì vẫn còn những hầm nuôi rắn độc của nhiều nhà dân, nên ở đây luôn đầy rẵy nguy hiểm cận kề. Tôi chỉ sợ trong làng, trong xã không dừng lại ở con số 19 phụ nữ goá chồng nữa mà còn có thể nhiều người sấu số hơn thì đáng buồn biết bao.
          Tò mò, tôi hỏi anh Đỗ Thế Thọ, nuôi rắn hổ mang chúa cho nó ăn bằng gì, anh Thọ cho biết, nếu như rắn hổ mang bành chuyên ăn chuột, ăn cóc thì rắn hổ mang chúa không ăn chuột, ăn cóc mà thức ăn của chúng chính là đồng loại. Vì nọc của hổ mang chúa là độc nhất nên nó không sợ bất kỳ loài rắn nào, nó ăn thịt tất cả các loài rắn khi bắt gặp kể cả rắn hổ mang bành hoặc rắn cạp nong, cạp nia. Người nuôi rắn thường thu mua các loại rắn khác mang về làm thức ăn cho rắn hổ mang chúa. Trước khi cho chúng ăn, người nuôi thường làm sạch ruột rắn mồi và nhét vào đó thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thuốc tăng trọng và vitamin để rắn hổ mang chúa không bị mắc bệnh và chóng lớn, nhanh xuất chuồng.
          Trong môi trường ở nước ta, hầu như hổ mang chúa không sinh sản được, nên nguồn rắn giống phải nhập khẩu từ nước ngoài, chính những cánh rừng già ở Campuchia, Lào, Thái Lan là nơi cung cấp rắn hổ mang chúa vào Việt Nam. Đến nước ta có bao nhiêu cá thể rắn hổ mang chúa giống thì phát triển bấy nhiêu rắn trưởng thành chứ không sinh sản thêm được cá thể nào nữa. Chúng được nhập khẩu lậu theo đường tiểu ngạch mỗi cá thể nặng khoảng 0,5 - 0,7 kg, nửa năm sau rắn lớn lên nặng khoảng 7-8kg, cá biệt con to nhất nặng đến 17 kg. Rắn càng to thì nọc càng độc. Loại Hổ mang chúa to nặng này mà cắn thì đến voi, trâu cũng chết, nói chi đến con người. Nhưng  hổ mang chúa có nọc độc nhất khi nó sắp lột xác; con rắn có dáng chậm chạp, hai mắt mờ đục, da xù vẩy, ấy là lúc chuẩn bị lột xác, nọc cực độc, cắn người và động vật chết ngay lập tức.
          Nuôi rắn hổ mang chúa rất nguy hiểm, cái chết luôn rình rập bên cạnh, nhưng vì lợi nhuận kinh tế cao nên nhiều hộ dân ở Phụng Thượng vẫn cứ nuôi. Một kg rắn hổ mang chúa có giá lên đến 2 triệu đồng, trong khi đó một kg rắn hổ mang bành chỉ có giá khoảng 87 nghìn đồng mà thôi. Theo anh Thọ nói: trong một số gia đình nuôi rắn hổ mang chúa đã có những nhà nuôi được những con rắn nặng đến 17, 18 kg tức là đã có số tiền trị giá bằng một chiếc xe máy đắt tiền. Vì vậy, biết nguy hiểm cận kề nhưng nhiều người dân ở đây vẫn cứ tiến hành nuôi rắn hổ mang chúa, thậm chí họ còn chăm sóc loài vật nguy hiểm này cẩn thận hơn những loại vật nuôi khác. Khi rắn hổ mang chúa bị ốm hoặc chúng lười ăn, người nuôi rắn phải nhét mồi vào miệng và ấn vào bụng rắn như ta nhồi bánh đúc cho gà ăn vậy, thật là nguy hiểm. Nhưng vì miếng cơm manh áo và phát triển kinh tế, ở Phụng Thượng những ông chủ nuôi rắn thấy rất bình thường, họ bắt rắn như ta bắt gà vậy, tuy nhiên ở họ chắc là có bí quyết riêng, nếu không họ sẽ bị rắn cắn ngay lập tức.
          Rời làng rắn Phụng Thượng, tôi thấy gai người khi nghĩ lại cái cảm giác của anh Đỗ Thế Thọ chứng kiến con rắn hổ mang chúa nặng gần một yến trườn qua người đứa con trai 3 tuổi thân yêu của mình khi cháu đang nằm ngủ bình yên giữa căn nhà yêu dấu của mình.


Nguyễn Văn Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét