Dòng Mã giang
như một dải lụa mềm mại vắt qua làng tôi, bồi đắp nên bãi bờ phù sa no ấm. Ngày
ấy, làng tôi không có một giếng nước, cả làng sử dụng nước sông phục vụ sinh
hoạt, ăn uống, tắm rửa... Dòng sông trong vắt, êm ả chảy qua là nguồn nước vô
tận phục vụ cuộc sống của làng tôi và bao làng khác ven sông. Làng ở dài theo
triền sông, từ đầu làng đến cuối làng có nhiều bến nước, mỗi bến nước có một
tên riêng, bến Hàn, bến Đình, bến Nghè... những bến sông ấy trở thành thân quen
thuộc đối với dân làng. Bến sông là nơi chúng tôi gánh nước, rửa rau, giặt rũ,
nơi lũ trẻ chúng tôi tắm mát đùa nghịch suốt những trưa hè, nơi đàn trâu đủng
đỉnh vục mõm uống nước và đằm mình phía dưới. Nơi các cô gái làng chân trần, da
trắng khoả nước rửa mặt soi gương mỗi khi ra bến, nơi trai gái làng tìm đến bến
gặp nhau vào những chiều hè.
Bến sông quê là nơi chứng kiến biết
bao sinh hoạt cuộc sống của làng tôi. Ở đó đã từng ghi nhận nhiều niềm vui và nỗi buồn
của dân làng, có những cuộc gặp mặt hoan hỉ, chào hỏi nhau tay bắt mặt mừng,
những cuộc hẹn hò và cũng có cả những cuộc cãi vả to tiếng nơi bến sông quê.
Tất cả đã trở thành một nét đặc trưng, một điểm nhấn, một nét đẹp văn hoá rất
riêng của bến sông quê tôi. Để rồi các thế hệ chân lấm tay bùn một thời như tôi
giống con thuyền lênh đênh nơi "chân trời, góc biển", lấy bến sông
quê làm điểm mốc để biết lối trở về. Và rồi, bến sống quê là ký ức, là kỷ niệm,
là niềm vui, là nỗi vui buồn của những người con yêu quê hương đất nước, là
trăn trở là hoài niệm, là ước muốn được thấy bến sông quê luôn hiền hoà, đẹp đẽ
như những tháng năm xưa.
Bến
Đình, ở đoạn sông giữa làng tôi là bến to và đẹp nhất, gọi là bến Đình nhưng ở
đó khi tôi lớn lên thì đình làng không còn nữa. Bến Đình vừa đẹp, vừa tiện lợi
phục vụ dân làng. Từ đường làng đến sát mép nước được lát đá hoa cương, loại đá
xanh có vân từ thờ các cụ để lại. Giữa bến là một phiến đá to và bằng phẳng làm
nơi trải quần áo giặt rũ, để rau, để lá, xung quanh phiến đá to có vô vàn đá
nhỏ, dòng nước len lỏi chảy qua trong vắt. Những chú tôm, cá chốn vào ngách
hang làm tụi trẻ bọn tôi tốn nhiều thời gian tìm bắt nhưng chẳng mấy kết quả.
Từng đàn cá mương đông đúc bơi ngược dòng lên đớp mồi nhảy lao xao mỗi khi có
người chao rổ xúc. Gần tết, bến Đình vui tấp nập, nhà nhà ra bến rửa rau, mổ
cá, thịt gà, rửa lá bánh, cọ nồi niêu, gánh nước, lau rửa đồ thờ chuẩn bị cho
tối ba mươi đón ông bà, ông vãi. Bến Đình còn có ánh mắt của người con gái tuổi
trăng tròn một thời đã làm xao xuyến lòng tôi. Ba mươi năm có lẻ, hình ảnh em
khoả nước bến Đình vẫn đằm sâu trong ký ức của tôi mà không thể nào phai. Bến
Đình bên dòng sông Mã chảy qua giữa làng là một phần tuổi thơ tôi về quê hương,
làng xóm mến yêu.
Ngày nay, dòng sông quê vẫn chảy hoài,
chảy mãi, nhưng bến Đình đã không còn nguyên vẹn. Tên bến, tên sông vẫn đó,
nhưng cỏ mọc ngập tràn lối đi. Dòng sông đã bị ô nhiễm nặng nề, cát ở sông đã
bị hút hết, nước sông không còn trong vắt như xưa, không thể dùng để phục vụ ăn
uống, tắm rửa nữa. Và như vậy, làng tôi cũng không còn sử dụng bến Đình làm nơi
phục vụ sinh hoạt, bến Đình chỉ còn trong ký ức của tuổi thơ tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét