Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

TÂM LÝ HỌC VIÊN

Chuyện kể ở đại đội:
TÂM LÝ HỌC VIÊN
(Tình thầy trò của lính)
Gần tết năm ấy, tôi bất ngờ nhận được món quà quý từ thành phố Ngàn hoa Đà Lạt gửi ra. Đó là 20 bông hoa Dơn của một học viên cũ gửi cho tôi, những bông đại đóa đỏ tươi được bọc cẩn thận trong những tờ báo cũ, bên ngoài là lớp ni lông bảo quản. Ngày ba mươi tết, tôi mang hoa ra cắm, sau lần ni lông và báo cũ là một tờ giấy nhỏ có ghi họ tên địa chỉ của người gửi hoa, qua đó tôi mới biết được tên người học viên mà tôi đã từng dạy học tại Trường sĩ quan. Nhìn những bông hoa tươi thắm, tôi lại nhớ đến khuôn mặt trẻ trung của người học viên đó và nhớ những kỷ niệm vui buồn, đẹp đẽ, bồng bột trong những ngày học tập, rèn luyện của thầy trò trẻ chúng tôi trên giảng đường và thao trường.
Ngày ấy, tôi là giảng viên mới tốt nghiệp, còn Trương Tuấn Tú là học viên năm thứ nhất vừa mới nhập học. Chúng tôi biết nhau sau những giờ học đầu tiên của môn bắn súng trên thao trường. Là học viên mới, Trương Tuấn Tú và dồng đội không khỏi bỡ ngỡ và lạ lẫm trước các loại vũ khí quân dụng mà tôi giới thiệu cho các em. Trong những giờ học ai nấy điều chăm chú nghe giảng, tiếp thu bài, năng động, thích khám phá, tìm hiểu những kiến thức về quân sự nói chung và vũ khí nói riêng. Trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh quân sự, được vào học tại trường sĩ quan quân đội, Trương Tuấn Tú thấy mình như lạc vào một thế giới đầy những huyền bí, mới lạ về kiến thức khoa học kỹ thuật quân sự. Chúng tôi những người thầy giáo trẻ có trách nhiệm truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho học viên, để họ mở toang cánh cửa khám phá kho tàng kiến thức vô giá đó và vươn tới một chân trời mới của khoa học kỹ thuật quân sự. Là giảng viên trẻ, cùng với đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, tôi nhiệt tình, gắn bó, bám sát học viên để hiểu họ, giảng dạy, rèn luyện họ trở thành những sĩ quan tương lai. Những lần gần gủi, bám sát học viên, tôi đã khám phá được ở họ những điều mới lạ, sự trong trắng, bồng bột, những khát vọng trong cuộc sống và tình yêu. Rồi tôi cảm thấy yêu mến họ hơn, yêu đời hơn, đoàn kết hơn, quý mến, gắn bó với nhau hơn trong cuộc sống, vì với chúng tôi ngoài tình thầy trò còn có cả tình đồng chí, anh em.
Những buổi học đầu tiên, tôi giảng bài và hướng dẫn học viên luyện tập bắn bài 1 súng tiểu liên AK vào mục tiêu cố định ban ngày. Sau khi giảng dạy phần lý thuyết, học viên ai nấy đều hiểu rõ và nắm chắc bài, nhưng khi vào phần tập ngắm bắn vào mục tiêu, nhiều đồng chí chưa biết ngắm hoặc ngắm không trúng mục tiêu, có đồng chí biết ngắm nhưng khi bóp cò lại làm súng rung động, đường ngắm bị lệch khỏi mục tiêu. Kiểm tra tập bắn của học viên, nhiều lần tôi phát hiện kết quả luyện tập chưa cao, mặc dù chỉ là tập bắn vào bia cố định chưa có đạn thật nhưng đa số học viên vẫn bị run, mất bình tĩnh, khi bóp cò kết thúc phát bắn thường đường ngắm bị lệch. Rút kinh nghiệm giờ tập bắn, tôi nêu rõ những hiện tượng, nguyên nhân trên và đề ra những biện pháp khắc phục sửa chữa để giờ tập bắn sau tốt hơn. Phút giải lao trên thao trường, thầy trò quây quần bên nhau tán ngẫu và trò chuyện, biết bao nhiêu chuyện gia đình, quê hương, hậu phương chiến sĩ, chuyện tình yêu được thể hiện sôi nổi. Chẳng còn khoảng cách giữa giảng viên và học viên nữa, nên ai nấy được tự do trao đổi, rôm rã nhất vẫn là chuyện tình yêu và chuyện tập bắn súng sao cho khắc phục được “Yếu tố tâm lý” để ngắm trúng mục tiêu. Trương Tuấn Tú lên tiếng:
- Thầy giáo ơi! Em cứ tưởng ở gần bạn gái mới bị tâm lý, ai ngờ nằm bên súng, áp má tì vai vào súng lại bị tâm lý còn nhiều hơn ngồi bên bạn gái.
Một học viên khác nói tiếp:
- Đúng đấy thầy giáo ạ, cầm súng lên em đã thấy run quá, nhất là lúc bóp cò, em chỉ sợ bắn không trung mục tiêu nên lại càng run hơn, chẳng hiểu sau này bắn đạn có trúng được mục tiêu không?
Tôi nói:
- Run là đúng thôi, “Vạn sự khởi đầu nan” làm cái gi mới cũng gặp khó khăn cả. Tập bắn súng cũng thế, ai cũng bị yếu tố tâm lý chi phối, nhưng chịu khó học tập, rèn luyện nhiều sẽ trở thành bản lĩnh thì bắn súng sẽ trúng mục tiêu.
- Nhưng thầy giáo ơi, em thấy ngôi bên bạn gái còn bình tĩnh và tự tin hơn nhiều đấy, chứ bắn súng sao mà khó đến thế, cũng “Tỳ vai, áp má”, cũng “Nhìn ngắm, bóp cò” sao chúng em chưa thể mạnh dạn như ngồi bên bạn gái được nhỉ.
- Cứ bình tĩnh và từ từ, chinh phục bạn gái cũng phải có thời gian chứ, nóng vội đâu có thành công được. Tập bắn súng cũng vậy, phải bắt đầu từ dễ đến khó, theo từng giai đoạn nhất định, không nóng vội được đâu, có khi còn khó hơn chinh phục bạn gái nữa đấy chứ. Tôi động viên các học viên trẻ.
- Em chỉ muốn nhanh chóng kết thúc luyện tập để được bắn đạn thật xem em ngắm có còn run nữa không, đạn nổ có to không, có bị giật mình không?
- Em thì cho rằng bắn súng chắc bị tâm lý nhiều, nên đề nghị thầy giáo cứ cho luyện tập thật kỹ vào mới bắn trúng được mục tiêu.
- Đúng! Bắn súng kết quả sẽ không cao nếu bị yêu tố tâm lý chi phối, chúng ta phải rèn luyện thành kỹ năng, kỹ xảo và có bản lĩnh tốt để bắn đạt kết quả cao, trước hết là bắn bài 1 này đã. Làm chủ vũ khí, trang bị trong chiến đấu để đánh thắng kẻ thù khác xa với chinh phục bạn gái. Mặc dù cả hai đều bị yếu tố tâm lý tác động, nhưng chinh phục bạn gái là sự đam mê, còn bắn súng thì phải có ý chí. Một bên là tâm lý của trái tim, một bên là ý chí của khối óc, tất cả đều phải vượt qua để đi tới đích các bạn ạ.
Sau giờ giải lao, thầy trò chúng tôi lại bước vào luyện tập hăng say hơn, chất lượng cao hơn, từng học viên tự tin hơn trong những đường ngắm, phát bắn của mình. Những buổi học đó đạt được mục đích yêu cầu đề ra, kết quả đó làm tiền đề cho các môn học tiếp theo của khóa học.
Cũng vào giờ giải lao của buổi học khác, Trương Tuấn Tú lại mang đến hỏi tôi về một bức thư mà người bạn gái của mình vừa gửi đến. Trong thư có đoạn viết “…Em ở đây, sông Đáy xa vời, đâu còn được bên anh để nghe những lời tâm sự ngọt ngào êm dịu nữa. Tạm biệt anh, biết đến bao giờ được gặp lại người em yêu…”.
Sau khi cho tôi xem thư xong, Tú nói:
- Thầy giáo ơi! Chắc em bị người yêu bỏ rồi phải không? Trong thư bạn gái em viết thế bày “sông Đáy xa vời, đâu còn được bên anh”. Hẵn là tình nàng đã cạn đến đáy rồi ư? Hay là biết em thi đỗ vào trường lính, nên nàng viết thư như thế này để chia tay em phải không?
Tôi vội nói:
- Tú ơi, em hiểu nhầm người yêu của mình rồi đấy. Có phải bạn gái của em đang học Trường cao đẳng Thể dục thể thao phải không? Vì anh biết ngôi trường ở bên bờ sông Đáy. Bạn gái em viết “sông Đáy xa vời, đâu còn được bên anh” tức là bạn gái em bày tỏ sự yêu em không thay đổi và ngày càng nồng thắm hơn đấy. Quê em ở tận Thái Bình, lớn lên em chưa có điều kiện đến thăm dòng sông Đáy của miền quê xứ Đoài nên em chưa hiểu đấy thôi. Anh chúc mừng tình yêu của hai em nhé.
- Thật thế hả anh, thế mà em cứ tưởng….!
Biết chuyện cả đại đội cười ồ, nhiều người đến bắt tay chúc mừng tình yêu của đồng đội mình. Quả thật tuổi trẻ mới lớn, còn bồng bột nhiều, nhận thư bạn gái đọc chưa kỹ đã vội hoảng lên, “yếu tố tâm lý” đè nặng, sợ người yêu của mình phản bội. Biết chia sẻ cùng ai vội chạy đến hỏi thầy, hỏi bạn rồi cùng cười oà, vỡ tan nỗi thắc mắc của trái tim, để rồi tự tin bước vào học tập rèn luyện, phấn đấu trở thành người sĩ quan tương lai.
          Bước vào năm học thứ hai, những chàng học viên sĩ quan không còn bỡ ngỡ và bồng bột như trước nữa, cái chất “tân binh” năm nào nay được thay bằng chất trí tuệ của những  học viên cứng cáp và linh hoạt trong cuộc sống quân ngũ. Trương Tuấn Tú và đồng đội đã được trang bị một khối lượng kiến thức về quân sự, chính trị tương đối đầy đủ để có thể xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống, công tác và học tập. Trong huấn luyện môn học bắn súng, các học viên đã nhanh nhạy trong tháo tác và làm chủ động tác ngắm bắn, bóp cò để đưa viên đạn đúng mục tiêu. Đặc biệt, Trương Tuấn Tú và đồng đội đã từng bước được tiếp cận với các môn học về lý luận chính trị, về tâm lý học, về công tác đảng, công tác chính trị nên các học viên đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, có lập trường tư tưởng vững vàng, hiểu biết cơ bản về Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Học viên có thể nhận thức được đúng sai trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa, biết cách phòng, chống chiến lược “Diễn ciến hòa bình” và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Một lần trong giờ giải lao trên thao trường của môn học bắn súng, Trương Tuấn Tú và đồng đội lại đưa ra một câu hỏi về lĩnh vực chính trị, khác với chuyên ngành của tôi giảng dạy và đề nghị thầy giáo giải thích cho học viên hiểu biết thêm. Trương Tuấn Tú hỏi:
           - Thày giáo ơi, em học lịch sử thấy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua, bọn địch thường sử dụng “Chiến tranh tâm lý” hay còn gọi là “Tâm lý chiến” để chống lại chúng ta. Đúng không?
          - Đúng đấy em ạ! Đây là một loại “vũ khí” rất nguy hiểm mà nhiều người nhẹ dạ cả tin đã mắc vào bẫy chiêu hồi của chúng. Tôi trả lời như vậy.
          - Thế thì quân đội ta chắc cũng dùng các biện pháp “Tâm lý chiến” để chống lại quân địch chứ ạ. Trương Tuấn Tú hỏi tiếp.
          Các học viên khác cũng đồng loạt lên tiếng:
- “Chiến tranh tâm lý” thì quân đội nước nào chả phải dùng, đúng không thầy giáo?
- Không phải như vậy đâu, các em hiểu sai rồi. Tôi vội vàng trả lời!
- Là thầy giáo dạy môn bắn súng “Có yếu tố tâm lý trong từng phát bắn”, đề nghị thầy giáo giải thích cho chúng em hiểu với. Các học viên đề nghị.
Trước thái độ cầu thị của Trương Tuấn Tú và tập thể học viên, tôi giải thích:
- Các đồng chí ạ! trong các cuộc chiến tranh xâm lược, quân đội phản cách mạng thường dùng chiến tranh tâm lý để chống phá ta, chúng lập ra cả một bộ máy "Tâm lý chiến" để tiến công vào trận địa tư tưởng văn hoá của ta. Chiến tranh tâm lý là chúng tuyên truyền nhiều vấn đề sai sự thật; nói sấu, bóp méo sự thật, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước ta; thổi phồng những đều tưởng như tốt đẹp của chế độ tư bản; kích động lôi kéo lừa phỉnh những người nhẹ dạ theo chúng làm những điều có hại đến an ninh quốc gia...Ngược lại với thủ đoạn “Tâm lý chiến” của địch, quân đội cách mạng chúng ta luôn luôn cảnh giác trước âm mưu thâm độc của chiến tranh tâm lý của địch. Chúng ta tăng cường công tác dân vận, địch vận, tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân và hàng ngũ địch, mang tiếng nói chính nghĩa đến với binh lính của chúng, để họ thấy rõ bộ mặt thật của chiến tranh xâm lược là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Trong chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của chúng ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa, tức là chúng ta nói đúng sự thật. Công tác đảng, công tác chính trị chính là mang chân lý đi chinh phục lòng người đấy các đồng chí ạ. Về bản chất chiến tranh tâm lý của địch đối lập hẳn với công tác tuyên truyền, địch vận, dân vận của ta. Vì vậy chỉ có quân đội phản cách mạng mới dùng chiến tranh tâm lý (Tâm lý chiến), còn quân đôi ta luôn giáo dục, tuyên truyền, vận đồng quần chúng nhân dân để nói lên sự thật, tố cáo tội ác của chúng, nêu rõ đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta chính là “Mang chân lý đi chinh phục lòng người”. Các đồng chí không nên lẫn lỗn dùng cụm từ “Tâm lý chiến” để nói về công tác tuyên tuyền của quân đội cách mạng. Tôi nhắc lại chỉ có quân đội phản cách mạng mới dùng chiến tranh tâm lý (tâm lý chiến) mà thôi, còn quân đội ta là chống chiến tranh tâm lý (vì tâm lý chiến là xuyên tạc, nói dối, bóp méo, vu cáo…). Nói vui một tý nhé, cũng giống như các chàng trai trẻ chúng ta đi chinh phục người đẹp đó thôi, nếu mà dùng "chiến tranh tâm lý" thì khó mà thành công được vì đó là những lời nói dối. Hãy bằng tình yêu đích thực của con tim và tiếng nói ngay thẳng của chính mình để đến với người con gái mà mình yêu thương thì mới giành chiến thắng chọn vẹn, thế đấy các bạn trẻ ạ!
- Ồ! Bây giờ thì các em đã hiểu. Trong học tập quân sự mà bị các yếu tố tâm lý chi phối thì cũng khó giành kết quả cao được. Huống chi trong học tập lý luận, xây dựng bản lĩnh chính trị, xác định lập trường và nhất là trong chiến đấu ngoài mặt trận mà để thua địch khi chúng dùng “Tâm lý chiến” thì thật là nguy hại biết chừng nào. Quả là chúng em còn phải học nhiều thầy giáo ạ.
Thấm thoát năm tháng đã đi qua, Trương Tuấn Tú bây giờ đã là giảng viên của một học viện quân sự lớn ở “Thành phố Ngàn hoa”. Còn tôi, những kỷ niệm ngọt ngào trong đời quân ngũ đã đi qua. Tôi cứ thấm thía mãi một điều: Đã là người giảng viên, dù là giảng viên dạy các môn quân sự hay chính trị cũng cần phải có kiến thức toàn diện, nếu không gặp phải các câu hỏi của học viên có thể là vô tình nhưng rất hóc búa thì biết làm sao. Nếu không trả lời hoặc trả lời sai thì sao cho xứng đáng với vai trò người thầy giáo, chỉ có trả lời đúng và trả lời có luận cứ khoa học thì mới thuyết phục được học viên dù đó là câu hỏi giữa đời thương hay thuộc vững vực quân sự, chính trị. Điều đó cứ vang vọng và thúc giục mãi trong tôi, cần tiếp tuc phải tự học, tự nghiên cứu để tích lũy và làm giầu thêm kiến thức, trí tuệ của bản thân, nâng tầm hiểu biết của mình để phục vụ cho nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo học viên và cuộc sống đời thường.
             Nguyễn Văn Lai
(Phòng KHQS - Trường Đại học Trần Quốc Tuấn                                                                                          HT: 2CA-24-Sơn Lộc Sơn Tây- Hà Nội   ĐT: 01699361856

                                                                TK:8300107495005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét