Thời nào cũng vậy, người phụ nữ Việt Nam luôn hết lòng yêu thương chồng con, sẵn sàng
nhận về mình những thiệt thòi, khó khăn vất vả, nhường cho chồng con những
miếng ngon và muôn vàn thuận lợi, làm tròn thiên chức người phụ nữ Việt Nam .
Miếng nạc thì
để phần chồng
Miếng xương
phần mẹ, miếng lòng phần con
Chỉ 2 câu ca
dao trên đã nói lên phẩm chất và đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam .
Thiên chức của người phụ nữ là được làm mẹ, làm vợ và họ đã thực hiện tốt thiên
chức cao đẹp đó để cho muôn đời con cháu kế tiếp nhau phát triển, xây dựng non
nước này ngàn năm vững bền. Từ ngàn xưa, thủa hồng hoang mẹ Âu Cơ đã dám rời xa
đồng bằng gấm vóc, đồng ruộng phì nhiêu, non sông một dải để dẫn 50 người con
lên rừng lập nghiệp, mở mang bời cõi, giữ vững phên dậu của đất nước. Thủa ấy,
rừng hung dữ, với muôn vàn hiểm nguy, trắc trở, thế mà Người - mẹ Âu Cơ đã dám
hy sinh cuộc sống hạnh phúc bên chồng Lạc Long Quân đi khai phá giang sơn xây
dựng cơ đồ để có một nước Văn Lang-Đại Việt sau này lớn mạnh và vững bền. Về
đạo lý, ai cũng hiểu rằng, người phụ nữ rất cần được ở bên chồng con, chăm lo
hạnh phúc gia đình, xớm chiều nghe tiếng nói bi bô của con trẻ, được nũng nịu
con, được dựa dẫm vào chồng, sát cánh bên chồng lao động sản xuất làm ra của cải
nuôi sống gia đình và chăm lo con cái. Thế mà vì sự phát triển mạnh giầu, mở
mang bờ cõi của non sông gấm vóc mà Mẹ Âu Cơ phải chia tay đức Lạc Long Quân,
mỗi người dẫn theo 50 người con đi về hai phía chân trời, góc bể; kẻ lên rừng
người xuống biển dựng nước và giữ nước. Đức hy sinh đó của người mẹ Việt Nam
còn truyền lại mãi đến muôn đời sau để nước Việt Nam trải qua mấy nghìn năm
lịch sử, thời kỳ nào cũng có những người phụ nữ Việt Nam anh hùng, trung hậu,
đảm đang, luôn nhận về mình sự hy sinh thầm lặng, không chối bỏ nhọc nhằn, sẻ
chia gian khổ, gánh vác trách nhiệm với chồng con. Những người con gái mảnh mai
yếu đuối đó đã vượt lên chính mình, cùng chí nam nhi làm nên lịch sử, đó là một
Nguyên phi Ỷ Lan nhiếp chính giữ vững nghiệp nước của Triều đại nhà Lý; một
Huyền Trân công chúa phải chịu hy sinh đời người con gái nơi đất khách quê
người vì sự giao hoà lân bang và ấm êm bờ cõi; một công chúa Ngọc Hân vì nghĩa
kết duyên cùng người anh hùng áo vải Quang Trung làm nên nghiệp lớn; một đô đốc
Bùi thị Xuân anh dũng kiên cường giúp vua đuổi giặc Thanh xâm lược; một anh
hùng Võ Thị Sáu người con gái Nam Bộ mảnh mai trước khi chết vẫn hát vang bài
ca cách mạng; một anh hùng Nguyễn Thị Chiên tay không bắt giặc, một nữ tướng
Nguyễn Thị Định xứ dừa mạnh mẽ, kiên trung; một Nguyễn Thị Bình vững vàng trên
mặt trận ngoại giao và giáo dục nước nhà và rất nhiều những con cháu của bà
Trưng, bà Triệu anh hùng thời mở cửa bằng trí tuệ, tài năng và tuổi trẻ của
mình góp phần đưa đất nước Việt Nam vươn mình sánh vai cùng năm châu bốn biển.
Hiền hòa và dịu êm; đức độ và mạnh mẽ đó là những phẩm chất cao quý của người
phụ nữ Việt Nam
từ bao đời nay truyền lại đã được chắt lọc, thấm đẫm sâu sắc vào mỗi người con
gái Việt nam. Họ thủy chung với chồng, thương yêu con cháu, khi nước có giặc
thì cùng chồng đánh giặc, giặc chạy rồi cùng chồng con dựng xây đất nước, giữ
vững nếp nhà, đức độ đó không bao giờ phai nhạt.
Thời nào cũng vậy, người phụ nữ luôn gắn bó với quê hương, đất nước.
Còn nhớ những năm nào, người phụ nữ gắn liền với hình tượng cánh cò, cánh
vạc; gắn liền với bát cơm quê, với tiếng
ru ầu ơi, những câu ca, của quả cà chát mặn, những ngọn rau muống, rau dền cằn
cỗi, những hạt lúa củ khoai, của những đêm trăng sáng trai gái làng ngồi trên
triền đê cạnh bờ sông mát lạnh, những khát vọng của cuộc sống và tình yêu. Ngày
nay, đất nước hội nhập và phát triển, phụ nữ Việt Nam cất cánh bay cùng đất
nước, vươn lên làm chủ xã hội, làm chủ khoa học công nghệ, cùng với mọi người
góp công xây dựng đất nước mạnh giầu. Những nhà máy công trường, những doanh
nghiệp, những công ty, những học viện nhà trường, viện nghiên cứu... ở đâu cũng
không thiếu được bàn tay và khối óc người phụ nữ Việt Nam . Họ là nguồn lực trí tuệ dồi
dào, là chủ thể của những sáng tạo, chủ nhân của những gia đình và xã hội. Vai
trò quan trọng của người phụ nữ Việt nam
hiện nay ngày càng được khẳng định. Những người con gái Việt Nam trên trận tuyến mới đang chung tay xây dựng
đưa đất nước của con rồng, cháu tiên ngày càng phát triển, để Việt Nam
ngày càng bay cao. Ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào cũng có bàn tay và khối óc
của người phụ nữ Việt Nam
đóng góp để dệt nên một đất nước gấm hoa như ngày hôm nay. Nhưng dù thành đạt
và phát triển đến bao nhiêu, người phụ nữ Việt Nam vẫn dịu dàng, đẹp đẽ thủy
chung, vẫn là người phụ nữ Việt Nam “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm
đang”, hoàn thành thiên chức làm vợ làm mẹ, họ mãi mãi là những bông hoa tỏa
ngát hương thơm, dâng mật cho đời.
Kế thừa và phát huy truyền thống phụ
nữ Việt Nam, phụ nữ quân đội dù hoạt động trên lĩnh vực công tác nào cũng luôn
thực hiện tốt vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới, tích cực hăng say
trong công tác “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, làm tròn thiên chức của người
vợ, người mẹ. Là những người được vinh dự công tác phục vụ trong quân đội, trên
cương vị là người chiến sĩ hay quân nhân chuyên nghiệp; công nhân viên hay viên
chức quốc phòng; được làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp hay trong các quân
y viện; trong các học viện, nhà trường hay trong các cơ quan, đơn vị thì chị em
phụ nữ quân đội luôn vượt lên chính mình, vượt qua những khó khăn; vất vả, với
tinh thần trung hậu đảm đang, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét