Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

MÙA LŨ SÔNG QUÊ

Làng tôi ở ngoại đê, mùa lũ nước sông đỏ ngầu cuộn cuộn chảy về, cả làng ngập trong biển nước. Làng xóm ồn ào tất bật "như chạy lũ", tiếng người gọi nhau í ới, gà vịt bị rơi xuống nước kêu quang quác. Nước lũ lên rần rật tràn từ lòng sông, gập lên bờ bãi, lút cả đường làng, rồi nước lấn vào sân, vào nhà của mỗi gia đình. Nước dâng trong nhà một gang, hai gang, người dân tất bật khẩn trương kê giường tủ cao thêm, kê thóc gạo, vật dụng thêm một nấc mới. Nước sông vẫn dâng cao ba gang, bốn gang, giường tủ kê cao thêm nữa, thóc gạo vật dụng được đưa lên xà nhà, nhưng đâu đó trong các gia đình đã có những nhà bị trôi các vật dụng ra sân, thóc gạo bị chìm trong nước vì neo người không kịp chạy lũ. Cả làng tôi vất vả chống đỡ với cơn thịnh nộ của thuỷ thần từ dòng lũ thượng nguồn sông Mã tràn về. Mỗi nhà dân quê tôi đều có một chiếc thuyền nan nhỏ, khi nước lũ lên thì hạ thuyền từ trên trái nhà xuống nước để sử dụng.
          Tuổi thơ của tôi ở quê đã trãi qua nhiều mùa lũ khắc nghiệt. Tôi còn nhớ, lũ trẻ chúng tôi hiếu động và rồ dại, chúng tôi rất thích lũ về để được theo bố thả thuyền ra sông vớt củi, những lần như thế tôi được ngồi sau lái, vớt củi thì ít mà chỉ tìm vớt những quả sung, quả vả trôi trên sông để ăn và làm quà cho các em. Thường thì nước lũ càng to vớt củi càng được nhiều, đồng nghĩa với việc tôi được nhiều lần bơi thuyền trên sông. Bọn trẻ trong làng như tôi tuy còn nhỏ tuổi nhưng đều đã biết bơi và không sợ gì nước lũ, nếu không được bố cho đi vớt củi cùng thuyền thì chúng tôi cũng trốn ra sông, mình trần trùng trục, bơi vớt những cây tre, cây luồng trôi nổi trên dòng lũ phăng phăng chẳng sợ sệt gì, chỉ khổ cho các bà mẹ luôn mồm rày la, mắng nhiếc rất sợ con mình chẳng may gặp chuyển rủi ro.
          Mùa lũ là mùa đói khổ, tôi còn nhớ nước lũ tràn về vào khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch, gạo thóc trong bồ từng nhà đã cạn, làng tôi như một đảo chìm, từng nhà sống độc lập với nhau ngăn cách bởi dòng nước lũ, giao lưu chỉ bằng chiếc thuyền nan nhỏ bé. Công việc xay lúa, giã gạo không tài nào thực hiện được. Vì vậy, trong làng nhiều nhà đã phải nhịn đói cả ngày hoặc chỉ được ăn bầu bí trừ cơm. Hồi đó mì tôm chưa có, chủ yếu là bí đỏ băm to hầm với một ít đỗ đen làm chè ăn cho đỡ đói. Tuổi trẻ chúng tôi lõm bõm suốt ngày vớt củi, bơi thuyền mặt mũi lấm lem bùn nước. Thế mà chúng tôi yêu quê hương da diết, cơm ăn độn sắn, độn khoai, uống nước sông Lèn, đi chợ Bình Lâm, học trường làng Thượng. Mười chín tuổi nhập ngũ đầu quân làm người chiến sĩ bảo vệ biên cương. Trải bao khó khăn, gian khổ vẫn nhớ về những kỷ niệm của một thời đắm mình trong nước lũ sông quê. Tình nghĩa quê hương lắng động trong tôi không bao giờ phai nhạt. Sông quê là mạch nguồn, là điểm tựa dẫn lối chúng tôi đi. Nước lũ sông quê dẫu có hung dữ đến bao nhiêu rồi cũng phải có giới hạn.
          Mùa xuân về dòng sông lại hiền hoà chậm chảy, sông vẫn như dải lụa vắt qua làng, tắm mát cho quê hương để có những bờ bãi non xanh, ruộng đồng bát ngát. Làng tôi bây giờ đã có cuộc sống no đủ, sánh ngang với các làng quê của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nước lũ sông quê dù có hoành hoành đến bao nhiêu cũng không thể cản bước sự phát triển của làng quê thời đổi mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét