Đã từ xa xưa, ở
nông thôn Việt Nam
mái rạ đã trở thành rất đỗi thân quen đối với người dân làng Việt. Sau rặng
tre, hàng xoan, bờ rào cúc tần xanh mát của các xóm làng là những nếp nhà tranh
ấm cúng, mái rạ nhấp nhô, nhỏ to, cao thấp khác nhau nhưng cùng một mầu đặc
trưng của nền văn hoá lúa nước phương Đông. Người dân làng quê, sau một ngày
làm lụng vất vả, tất bật trên ruộng đồng, nương rẫy, về đến đầu làng đã nhìn
thấy khói lam chiều từ các mái rạ thân quen bốc lên tạo cảm giác no ấm và bình
yên. "Con chim có tổ, con người có nhà". Cứ mỗi chiều từng đôi chim
bay về tổ ấm và con người dù xa quê đến mấy, làm ăn được thua ở bất cứ phương
trời nào nhưng đến ngày giỗ, ngày tết đều tìm về với mái ấm gia đình, về với
quê hương bản quán, nơi chôn rau cắt rốn để được ăn cơm gạo mới, ngửi mùi rơm thơm,
ngủ trong những mái rạ, ổ rơm ấm cúng. Làng quê Việt Nam ,
mái rạ đói nghèo đã sinh ra và nuôi lớn những anh hùng, những con người bình
thường và thánh thiện đã làm rạng rỡ non sông gấm vóc Việt Nam . Từ bao đời nay, mái rạ luôn
trong ký ức của muôn người dân đất Việt. Từ xưa, một làng Việt cổ có thể chỉ
chấm phá vài ba căn nhà ngói của những người giầu có, những nhà hào lý, quan
lại địa phương mà thôi, còn hầu hết là nhà tranh vách đất của đại đa số dân
làng nhưng đã tạo nên nét đẹp văn hoá nông thôn Việt Nam . Mỗi căn nhà mái rạ trong thôn
khoảng 3, 4 gian, một gian bếp con con, một cái chuồng lợn nho nhỏ cũng lợp
toàn bằng rạ nằm trên một mảnh vườn của cha ông để lại đó là niềm hạnh phúc và
quý giá của người nông làng quê. Trong những căn nhà tranh ấy có những chiếc
giường tre, chõng tre, chiếu cói; những chiếc võng đay hoặc võng cói được mắc
vào hai cây cột đầu hè kẽo kẹt suốt đêm
thâu mùa hạ. Đầu nhà (thường gọi là trái nhà) kê cối xay lúa, cối giã gạo, mỗi
khi người dân xay lúa tiếng ầm ì đặc trưng phát ra từ cối xay mới nghe đã thấy
mùi no ấm, từng hạt gạo tách ra khỏi vỏ lúa rơi xuống thúng, xuống nia, được
đôi bàn tay người phụ nữ thôn quê giần, sàng, sảy sạch rồi đưa vào cối gạo chày
đôi giã cho đến khi hạt gạo trắng ngần mới lấy ra sử dụng. Một nhà thơ áo lính
đã từng nói "ít nhiều người vợ trẻ, mòn chân bên cối gạo canh khuya".
Để có được bát cơm là cả một công đoạn vất vả của người phụ nữ thôn quê dưới
mái nhà tranh của mình, lo cho chồng con có cơm ăn áo mặc, có sức khoẻ để học
hành và cầm súng ra chiến trường đánh giặc. Mái rạ làng quê và hình ảnh người
thiếu nữ thôn quê mãi mãi là mạch nguồn sức mạnh, là nét đẹp văn hoá của nông
thôn Việt Nam
từ xưa đến nay.
Những ký ức về mái rạ thôn quê vẫn còn
in đậm trong tâm trí người ra đi từ sau luỹ tre làng. Quên sao được những kỷ
niệm buồn của một thời dưới mái tranh nghèo khi trời mưa bão mà trong nhà không
còn hạt lúa củ khoai, chạy ăn từng bữa. Rồi những ngày bán mặt cho đất, bán
lưng cho trời, tất bật lao động trên những thửa ruộng cằn để cho lúa thêm bông,
sắn khoai thêm củ. Ngày đó, mặc dù thiếu ăn quanh năm nhưng người dân thôn quê
vẫn đóng góp đầy đủ "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một
người" phục vụ các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Từ mái rạ đơn
sơ những người con ưu tú của các thôn bản ra đi cầm súng bảo vệ quê hương,
không sợ gian khổ hy sinh trước quân thù. Khi chiến thắng lại trở về với đồng
ruộng thân yêu, lại cặm cụi cày bừa, cấy hái để làm nên những mùa vàng bội thu.
Ngày nay, kinh tế phát triển, những
mái rạ năm xưa được thay thế bằng những nhà ngói đỏ, nhà mái bằng cao tầng,
dựng xây thôn xóm bình yên và phát triển. Ở mỗi làng quê hầu như không còn thấy
bóng dáng của mái rạ năm xưa, cuộc sống đang đô thị hoá dần dần, những căn nhà
khép kín ngày càng phát triển nhiều. Máy xay xát làng nào cũng có, tuyệt nhiên
không còn nhìn thấy những cối xay tre, cối giã gạo ở đâu đó nữa. Đời sống nhân
dân nông thôn khá giả hơn, chính sách "xoá đói, giảm nghèo" đã và
đang có tác dụng rất thiết thực, góp phần đưa đời sống nhân dân nâng cao, nông
thôn mới ngày càng phát triển. Nhiều miền quê có các hoạt động văn hoá, lễ hội
truyền thống được phục hồi, giá trị nhân văn, nét đẹp văn hoá của con người
được tôn trọng, nhìn chung làng quê đang từng ngày đổi mới và giầu có hơn.
Những hãy xin nhớ một điều là mái rạ, ổ rơm chính là cái nôi ấm cúng, là khởi
nguồn tạo nên sự phát triển của con người và mảnh đất nông thôn cả trong quá
khứ để tạo đà phát triển trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét