Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

BỜ ĐÊ LÀNG VIỆT

Trên đất Việt ngàn đời ở đâu cũng có dòng sông và sau đó là có những con đê ngăn lũ. Ai đã từng chân đất chăn trâu, làm ruộng hẳn không khỏi một lần in dấu bước chân mình trên bờ đê làng Việt. Bờ đê rất đỗi thân quen, bao quanh, che trở thôn làng, ngăn lũ, ngăn mặn giúp dân làng làm nên những mùa vàng bội thu. Thậm chí bờ đê còn là phòng tuyến ngăn giặc giã tràn vào càn quét thôn quê, ngăn quân thù xâm phạm bờ cõi mỗi khi Tổ quốc bị quân thù xâm lược. Những con sông đất Việt bồi đắp nên những bãi bờ phù sa tươi tốt. Những triền đê chạy dọc theo bãi dâu xanh mướt mát, ruộng ngô dài tít tắp tới chân trời, nhìn thấy đã biết là no ấm đến với mỗi thôn quê. Bờ đê cũng chính là đặc trưng của làng Việt. Nếu đến một thôn làng ở ven sông sẽ được bước đi trên những triền đê gió lộng để đến với thôn làng. Triền đê còn là nơi thả diều, hóng mát của bao nhiêu thế hệ khi ở lứa tuổi học trò mỗi khi chiều đến. Bờ đê là nơi từng đàn trâu bò thung thăng gặm cỏ, là nơi không gian thoáng đãng đón gió hè mát mẻ thổi vào làng Việt. Đứng trên triền đê phóng tầm mắt nhìn xa là những cánh đồng lúa xanh mát tới tận chân trời. Những chiếc nón trắng nhấp nhô trên đồng, từng đàn cò trắng bay chập trờn trên sóng lúa. Những buổi sáng bình minh lên, ông mặt trời như bó đuốc khổng lồ toả bao ánh nắng chiếu xuống cánh đồng, cung cấp nguồn năng lượng tự nhiên giúp cây lúa vươn cao để sau này có những mùa vàng bội thu. Làng quê có bờ đê bao bọc, bảo vệ, đồng lúa có bờ đê làm điểm tựa để phát triển mang nhiều no ấm cho dân làng. Vào mùa nước lũ mới thấy vẻ kiêu hãnh và vai trò to lớn của con đê làng đến chừng nào. Lũ về, dòng nước chảy của các con sông hung dữ dồn vào chân đê, sóng vỗ dồn đập đe doạ sự vững chãi của bờ đê. Nhưng con đê cùng với dân làng đã dũng cảm chống lại với thiên nhiên, với lũ dữ, vững vàng trước sự đe dọa của thuỷ thần. Phía ngoại đê dòng nước đục ngầu, tới tấp xô đê như muốn nhấn chìm đê cùng với con người xuống đáy để tràn vào đồng lúa xanh tươi. Nội đê cánh đồng vẫn xanh thắm, rì rầm trong gió như lời nhắn gủi động viên con người và bờ đê hãy vững vàng trước sóng nước và sự tàn phá của thiên nhiên.
          Làng tôi cũng có một triền đê đẹp như thế, con đê bờ Bắc sông Lèn là nơi giữ nhiều kỷ niệm của tuổi thơ tôi. Làm sao có thể quên được những chiều hè chăn trâu chạy nhảy ở triền đê cỏ bông may bám đầy hai ông quần lem luốc. Tôi về dấu mẹ ném vào gầm giường chờ đêm đến để cóc gặm hết hoa cỏ may, nhưng sáng hôm sau lấy quần ra mặc chỉ có mùi hôi sình chứ nào đâu thấy mất bông cỏ may bám trên chiếc quần bẩn ấy. Thế mà tuổi trẻ chúng tôi vẫn cứ tin những đều kỳ diệu ấy sẽ xảy ra trong cuộc sống. Chúng tôi khoái nhất là những đêm mùa hè rủ nhau lên triền đê hóng gió đông năm thổi về mát rượi, tìm chỗ có lớp cỏ dầy nằm ngửa mặt lên trời ngắm trăng, đếm sao rồi ước gì mình có đôi cánh thần tiên để bay lên không trung đến tận các vì sao xa xôi của vũ trụ khám phá khoảng không bao la. Rồi những đêm đẹp trời cố nhìn vầng trăng sáng tìm xem chú Cuội và chị Hằng đang ở nơi đâu. Bởi, tuổi trẻ chúng tôi vẫn tin tưởng rằng trên vầng trăng tròn vành vạnh ấy là nơi sinh sống của chú Cuội và chị Hằng. Những đêm trăng khuyết, đứa nào cũng xuýt xoa, tiếc nuối thương cho chú Cuội và chị Hằng không biết sẽ sống ra sao khi vầng trăng chẳng còn đầy đặn. Lũ trẻ nông thôn chúng tôi vẫn luôn nghĩ rằng bầu trời trong và vầng trăng sáng sẽ báo hiệu những điều tốt lành, may mắn, ấm no. Lo cho mùa màng thất bát khi thấy trăng quầng, trời mây u ám. Thế đấy, triền đê chứng kiến nhiều niềm vui và nỗi buồn của lũ trẻ chúng tôi một thời thơ ấu.
          Rồi chúng tôi lớn lên vào thời giặc giã, bọn học trò và lũ trẻ chăn trâu làng tôi mỗi người một ngã. Cánh con trai hầu hết nhập ngũ trở thành "Bộ đội Cụ Hồ" cầm súng bảo vệ biên cương hai đầu đất nước. Hoà bình trở lại quê hương vẫn nhớ về nơi bờ đê đầy kỷ niệm, ở đó chúng tôi gặp nhau và biết được trong số bạn bè ra đi ngày ấy nhiều người đã ngã xuống nơi chiến trường ác liệt không biết được giờ đây quê hương đã có nhiều đổi thay no ấm. Mặt đường đê năm xưa nay đã được rải nhựa phẳng lỳ trở thành con đường huyết mạch liên xã nối liên các làng quê. Ngoài chức năng chắn lũ, con đê làng có có chức năng giao thông đưa văn minh đô thị về với làng quê xa xôi, đưa các sản vật của quê hương lên chợ huyện, chợ tỉnh bán mua. Làng quê đang ngày càng đổi mới, ấm no và phát triển.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét