Mẹ tôi có một
quầy rất nhỏ ở góc chợ Lèn (Hà Phong, Hà Trung, Thanh Hoá) để bán nước mắm.
Gánh hàng mắm đi chợ của mẹ tôi chỉ khoảng 15 kg thôi, nhưng hôm nào mẹ cũng
còng lưng, ì ạch, vất vả gánh đến chợ. Trong gánh hàng của mẹ chỉ là những can
mắm nhỏ và những chiếc chai, chiếc phễu để đong mắm cho khách mua hàng. Tuy
quầy mắm của mẹ nhỏ nhưng rất đông khách đến mua, mắm của mẹ bán giá bình dân,
chất lượng mắm cũng vừa phải, hợp với túi tiền và thị hiếu của bà con nông dân
quê tôi. Khách đến mua mắm của mẹ phần lớn là những người nông dân "chân
lấm, tay bùn", quanh năm vất vả làm nông nghiệp. Từ ngoài ruộng về, các
bà, các chị bắt được những con cua, con ốc, hái được nắm rau muống, rau cần,
đều qua chợ mua thêm đồng mắm về nấu nồi canh ăn với cơm gạo mới thơm ngon. Mắm
của mẹ tôi cất về bán là loại nước mắm ngon được sản xuất ở một làng chài ven
biển ở tận Tĩnh Gia, đó là loại mắm có "chược" (mắm nấu từ cá biển
con ướp), tất nhiên mẹ tôi chỉ cất loại nước mắm có chất lượng và giá cả phù
hợp với nhu cầu tiêu dùng của nông dân vùng quê tôi, chứ mẹ tôi không lấy loại
nước nắm chất lượng thấp loại không có "chược" về bán. Hàng ngày mẹ
tôi gánh mắm ra chợ Lèn bán lẻ, lãi chút síu, đủ để mua đồng chè, đồng rau,
đồng thuốc, phục vụ sinh hoạt tối thiểu của gia đình tôi. Bố tôi biết chữ Nho,
ở nhà ông bận bịu viết câu đối, dịch gia phả, viết sớ giúp người dân quê tôi
những khi họ cần đến. Vì vậy, mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào gánh hàng
mắm của mẹ tôi ở chợ. Hôm nào mẹ bán đắt hàng có lãi thì mua quà về cho bố có
thuốc lào, chè xanh, bánh đa, đậu phụ; hôm nào ế hàng thì mua quà về chỉ là chè
xanh và vài cây mía tím cho chúng tôi. Nhưng dù đắt hàng hay ế hàng, mẹ tôi
chẳng bỏ buổi chợ nào, từ sáng xớm mẹ đã lụi hụi xếp hàng gánh ra chợ bán. Vốn
tính hiền hậu, nhân từ mẹ tôi có cách bán hàng rất đặc biệt, ai mua một lần cứ
muốn mua mãi, không hiểu có phải là bí quyết hay là phẩm chất cao quý của mẹ.
Khách đến mua mắm nếu đựng vào chai bao giờ mẹ tôi cũng rót đầy, nếu không có
chai khách đựng mắm vào túi ni lông, mẹ tôi rót đủ nhưng bao giờ bà cũng rót
thêm cho khách chút đỉnh, tuy không nhiều nhưng làm cho người mua luôn vừa
lòng. Ở chợ Lèn này, cũng có những hàng bán nước mắm khác gần hàng mắm của mẹ
tôi nhưng khách hàng vẫn thích đến mua mắm của mẹ. Mỗi sáng khi gánh hàng của
mẹ vừa đến chợ là đã thấy có người đợi mua mắm rồi, họ mua mắm về để kịp ăn bữa
sáng.
Là người lính xa quê mỗi khi được nghỉ
phép thăm nhà tôi thường giúp mẹ gánh mắm lên chợ, đỡ đi phần nào những mệt
nhọc của tuổi trên 70 mẹ già gánh mắm. Gánh hàng của mẹ chưa đầy 20 kg đối với
tôi quả là rất nhẹ nhõm, nhưng với mẹ đó là nỗi nhọc nhằn của quảng đường từ
nhà đến chợ. Nhìn dáng mẹ xiêu xiêu trên đường đến chợ lòng thôi quặn đau, muốn
làm điều gì để giúp mẹ nhưng đành bất lực. Khi được về phép, thỉnh thoảng tôi
cũng giúp mẹ gánh hàng mắm lên chợ. Với sức vóc trai tráng và tuổi tẻ của mình
gánh hàng của mẹ nhẹ tênh, tôi đi băng băng phía trước đôi lúc vẫn phải dừng
lại chờ mẹ theo kịp. Bất chợt tôi lại nhớ lại ngày xưa còn bé, tôi cứ lon ton chạy
theo mẹ đi chợ Bình Lâm, ngày đó mẹ còn khoẻ bước đi thoăn thoắt, thỉnh thoảng
mẹ phải dừng lại đợi tôi, nhưng bây giờ thì ngược lại. Quả là thời gian và sự
vất vả đáng sợ thật, nó bào mòn, gặm nhấm và tàn phá sức khoẻ của mẹ tôi ghê
gớm. Tôi thấy thương mẹ quá chừng, cả một đời vất vả, gian khổ, bán mặt cho
đất, bán lưng cho trời để lao động, làm ruộng, chạy chợ kiếm đủ cơm cho 6 chị
em chúng tôi ăn học cho đến khi tuổi già sức tàn, chân yếu mà vẫn đi chợ và
chăm sóc chúng tôi. Thế mới biết khi tôi càng khoẻ mạnh bao nhiêu thì sức mẹ
lại càng yếu bấy nhiêu, tôi càng cao to bao nhiêu thì lưng mẹ lại còng bấy
nhiêu. Tôi đi chợ chẳng mua bán gì, chỉ luợn quanh, gắm ngía hàng hoá rồi về
góc chợ nơi có quầy bán mắm trông hàng giúp mẹ. Có tôi mẹ đi mua một số hàng
hoá phục vụ cho những sinh hoạt thường nhật của gia đình. Tại đây tôi quan sát
góc chợ Lèn nơi mẹ bán mắm. Gần hàng mắm của mẹ cũng có một vài hàng mắm khác,
kế đấy là những hàng bán muối ăn, từng thúng muối đầy ắp trắng phau; phía sau
là dãy hàng bán rau, với đủ loại rau bắp cải, xu hoà, cà rốt, khoai tây, đỉ đỏ,
bí xanh, đu đủ, rau diếp, xà lách, hành tỏi, su su, đậu ván; xa hơn là mấy hàng
bán cá, chó con, mèo con... Góc chợ nhỏ này, vào những phiên chợ xép người mua
không nhiều nhưng cũng đủ ồn ào, lộn xộn. Ai nấy đến mua hàng, nhìn dáng vẻ của
họ đều thấy lam lũ, tất bật mua bán, vặt nài, mà cả, trả giá lên xuống đắt rẻ
inh ỏi. Tiền của người mua trong túi móc ra chủ yếu là tiền lẻ cuộn tròn khó
đếm, xem thế cũng đủ biết góc chợ quê người mua, bán toàn là những người bình
dân lao động vất vả một nắng hai sương, nghèo nàn chất phác. Chẳng thế mà mỗi
lần bán mắm, sau khi đong đủ cho họ mẹ tôi bao giờ cũng thêm cho họ chút đỉnh,
tôi nhìn thấy ánh mắt của những người nông dân mua hàng vui vẻ hẳn lên, họ cảm
thấy mẵn nguyện vì mua được đồng mắm, đồng rau rẻ hơn.
Thế mà giờ đây mẹ tôi đã đi xa rồi, mẹ
về với ông bà tổ tiên, góc chợ Lèn không còn hàng mắm của mẹ tôi nữa, nhưng mỗi
lần về phép thăm quê tôi vẫn cứ đến chợ tìm về nơi hàng mắm của mẹ chỉ còn lại
một nỗi buồn sâu thẳm. Không thấy mẹ tôi ngồi bán mắm nữa, dẫu biết rồi nhưng
tôi vẫn cứ đứng nhìn góc chợ ấy mãi không thôi. Dưới con mắt của tôi góc chợ
Lèn như ít người bán mua hơn. Trở về nhà rồi, theo thói quen, tôi vẫn ra cổng
ngóng đón mẹ về chợ, mặc dù chẳng bao giờ được thấy dáng mẹ liêu xiêu, cô đơn
gánh hàng mắm trở về nữa, nhưng trong tôi cứ muốn rằng mẹ vẫn còn đang ngồi bán
mắm ở góc chợ Lèn về muộn, nên trên con đường phía trước không thấy dáng mẹ
đâu. Tôi buột miệng thốt lên "Vắng mẹ, con buồn lắm mẹ ơi!"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét