Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

SÔNG LÈN VẪN MONG ĐÓN CÁC ANH !

Con sông Lèn (một nhánh của sông Mã) mền mại như một dải lụa vắt qua làng tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in, hôm ấy anh tôi-Vũ Tứ Biên cùng đồng đội tạm biệt quê hương vào miền Nam chiến đấu trên chiếc xe vận tải quân sự loại “Vọt tiến” 4 bánh, mui phủ bạt. Xe qua cầu Đò Lèn thì bị chết máy phải dừng lại sửa chữa, chưa thể hành quân đi tiếp được. Trên xe, bộ đội tràn xuống đường rất đông, bọn trẻ chăn trâu chúng tôi từ bên bờ Bắc của sông Lèn trông thấy xe ô tô có đông bộ đội bên bờ Nam liền chạy vội qua cầu sang xem. Bất ngờ tôi nhận ra anh Biên, anh cũng nhận ra tôi, hai anh em mừng rỡ gặp nhau, anh chưa kịp hỏi thăm tôi được điều gì về gia đình thì tôi chợt nhớ bác ruột tôi là mẹ đẻ của anh hiện đang có mặt ở bờ Bắc bán hoa quả. Tôi nói “anh chờ một tí, em đi gọi Bác”, vừa nói, tôi co cẳng chạy đi ngay. Sang bờ Bắc, gặp được bác tôi nói không ra hơi “Bác ơi! Anh Biên đang đợi Bác bên kia cầu chỗ ô tô đỗ ấy!”. Bác tôi xững người, buông cả mẹt hồng xuống, tất tả chạy sang. Tôi vội nhặt lên giúp Bác rồi bưng cả mẹt hồng chạy theo. Đến chỗ đỗ xe, Bác gặp được anh, hai mẹ con mừng mừng tui tủi. Bác tôi khóc bảo với anh “sao xe về đến đây mà con không về thăm nhà một tí trước lúc đi xa”. Anh Vũ Tứ Biên nói “Mẹ ơi con đi cùng đồng đội, sao có thể về nhà được, nhà ta ở gần đây mà con chẳng dám rời xe về gặp mẹ nữa là. Chữa xong xe sẽ chạy ngay mẹ ạ, nếu về, con làm sao theo kịp đồng đội. Mẹ cứ yên tâm, con đi vào trong đó, hết chiến tranh, con lại trở về với mẹ”. Bác tôi vội lấy tất cả số hồng trong mẹt do tôi bưng đến chia cho anh và cho các anh bộ đội khác. Ngay lúc đó, tiếng máy nổ của xe ô tô vang lên, bộ đội vội vã lên xe. Anh tôi ôm chầm lấy Bác rồi từ biệt mẹ nhảy lên xe sau cùng. Anh và bộ đội trên xe vẫy tay chào Bác và chúng tôi “Con chào mẹ con đi đây, khi nào thắng giặc chúng con sẽ về”. Chiếc xe “Vọt tiến” bóp còi, rú ga, rồi từ từ lăn bánh đi về phía Nam. Bác tôi bâng khâng nhìn theo xe cho đến khi chỉ còn lớp bụi mờ tan dần, rồi cầm chiếc mẹt thẫn thờ quay về. Tụi trẻ chăn trâu chúng tôi cũng ùa về bờ Bắc tiếp tục chơi khăng, đánh đáo, nhanh chóng quên đi tất cả. Chỉ có Bác tôi là lặng lẽ về nhà trong lòng dâng lên niềm thương nhớ đứa con trai rứt ruột đẻ ra của mình đi chiến trường chiến đấu. Bác đâu có biết rằng đây là lần cuối cùng Bác được gặp anh. Đó là một ngày hè năm 1971, lúc ấy miền Bắc đang có hoà bình, nhưng ở miền Nam thì chiến tranh vẫn còn nóng bỏng.
          Sau này, tôi được biết, năm 1968, anh Vũ Tứ Biên đang là sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân), chuẩn bị lên đường sang Tiệp Khác cũ du học, nhưng chính năm ấy, nước bạn có biến cố chính trị, nên chuyến đi của anh phải hoãn. Sau tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân 1968, lúc này chiến trường miền Nam rất ác liệt, Vũ Tứ Biên xung phong vào bộ đội, huấn luyện tân binh xong, anh được cử làm quản lý cho một đơn vị lái xe ngoài miền Bắc. Mùa hè năm 1971, để chuẩn bị cho chiến dịch 1972, đơn vị anh hành quân vào Nam chiến đấu (đi chiến trường B) trong đó có anh. Vào Quảng Trị, Vũ Tứ  Biên cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt, tại đây anh đã anh dũng hy sinh, thịt xương anh gửi lại mặt trận Quảng trị nóng bỏng. Thế là, anh không thể giữ được lời hứa khi gặp mẹ trên đường hành quân đi chiến đấu “hết chiến tranh con lại về với mẹ”. Cuối năm 1972, Bác tôi nhận được giấy báo tử anh Vũ Tứ Biên, chính quyền và nhân dân địa phương đã làm lễ truy điệu cho anh tại gia đình. Nước mắt Bác chảy tràn, Bác khóc không thành lời, mất mát đau thương quá. Nỗi đau trước sự hy sinh của Liệt sĩ Vũ Tứ Biên chưa nguôi, thì mấy tháng sau, gia đình Bác tôi lại nhận được giấy báo tử của người anh trai liệt sĩ Vũ Tứ Biên là Vũ Văn Lưu cũng anh dũng hy sinh trên chiến trường Quang Trị. Mảnh đất đầy khói lửa nơi ấy vẫn còn giữ hài cốt các anh. “Cỏ non thành cổ” đắp ấm cho xương thịt các anh đâu đó. Hoà bình đã lâu lắm rồi nhưng gia đình vẫn chưa tìm thấy phần mộ cho hai anh tôi. Không biết, giờ này các anh đang yên nghỉ tại nơi đâu? Linh hồn các anh có biết, sông Lèn vẫn mong ngóng được đón anh về với đất mẹ, quê hương, làng xóm.
                                      


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét