MÙA XUÂN TRẢY HỘI ĐỀN VÀ
Đền Và là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên
sơn - Sơn Tinh.
Sơn
Tinh là vị thánh đứng đầu Tứ Bất tử của nước Nam (Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Thánh
Gióng, Liễu Hạnh). Sơn Tinh nổi tiếng với truyền thuyết cuộc chiến chống Thuỷ
Tinh trị thuỷ thời hồng hoang, biểu hiện của sự đoàn kết toàn dân chống lại sự
tàn phá của thiên nhiên, được người đời tôn vinh là Đức Thánh Tản. Truyền
thuyết lịch sử về Sơn Tinh đến ngày nay vẫn còn lưu truyền mãi mãi, thể hiện sự
tích anh hùng và tâm linh của con người đất Việt. Tương truyền thời giặc phương
Bắc đô hộ nước ta, viên quan (tiết độ sứ) cai trị là Mã Viện - một thầy phù
thuỷ cao tay dùng phép thuật yểm bùa phá các long mạch và chấn hết các huyệt
thiêng của nước Nam ,
hòng làm cho đất nước ta không phát triển được để dễ bề cai trị. Nhưng khi Mã
Viện yểm bùa chấn 2 huyệt là Hồ Tây và Tản Viên sơn (Núi Ba Vì) thì bị thất bại
vì ở đó Mã Viện gặp phải các vị thánh linh thiêng và cao siêu của nước Nam (ở
Tản Viên Sơn do Sơn Tinh chấn giữ) làm cho Mã Viện không thể chấn yểm được. Như
vậy, có thể thấy Đức Thánh Tản là vị anh hùng dân tộc, dẫu hoá thân thành Thánh
nhưng giặc không thể nào khuất phục được Ngài (cũng chính là không thể khuất
phục được lòng dân đất Việt). Ngài thật xứng đáng là vị thánh đứng đầu các vị
thánh trời Nam
(vị thánh tổ của bách thần- đệ nhất phúc thần).
Đền Và thờ đức Thánh Tản
Có rất nhiều
đền thờ Đức Thánh Tản Viên sơn, nhất là ở vùng xung quanh núi Ba Vì như Sơn Tây,
Phú Thọ, Vĩnh Phúc...Một trong những đền thờ linh thiêng đó là Đền Và ở Sơn Tây.
Đền Và toạ lạc trên một đồi lim nhỏ cạnh Quốc lộ 21 kéo dài từ thị xã Sơn Tây
đi Trung Hà thuộc xã Trung Hưng (Sơn Tây, Hà Nội).Về quy mô, Đền Và tuy không
to, không lớn, không rộng nhưng là một công trình kiến trúc văn hoá vật thể đặc
sắc vừa mang tính cổ truyền vừa mang tính hiện đại, bởi Đền Và thường xuyên
được trùng tu, tôn tạo.
Theo
truyền thuyết vào thời Hùng Vương thứ 18 có ba vị đức thánh, thần phò vua Hùng dựng
nước. Nguyên ba vị thánh, thần đó là 3 anh em con chú, con bác nhà họ Nguyễn,
người anh con ông bác là Nguyễn Tuấn (tên huý của Sơn Tinh) còn hai người em
sinh đôi con ông chú là Nguyễn Hiền và Nguyễn Sùng. Ba người anh hùng đó sau
khi giúp vua Hùng đánh tan giặc, liền xin với vua đi khắp các làng mạc giúp dân
khai điền, đắp đê, trị thuỷ; dạy dân cày ruộng cấy lúa nước, phá rẫy trồng lúa
nương, lấy ống cây nứa, cây bương, cây giang trong rừng cho gạo vào nấu thành cơm
lam. Việc giúp dân khai sơn, trị thuỷ, đắp đê chống lụt có rất nhiều hiệu quả,
hàng năm mùa màng tốt tươi, mang lại no ấm cho các bản làng. Việc có ích đó dần
dần trở thành ý thức tự giác trong nhân dân cả nước, như một phép mầu để nhân
dân hàng năm đắp thêm nhiều đê ngăn nước lũ, chiến thắng thuỷ thần. Ba anh em
đi đến đâu cũng được nhân dân tin yêu, quý mến và tôn vinh, riêng Sơn Tinh được
tôn vinh là ông vua trị thuỷ, người đời truyền gọi ba anh em là “Một thánh, hai
thần” Đức Thánh Tản Sơn Tinh (Nguyễn Tuấn), Cao Sơn thần (Nguyễn Hiền), Quý
minh thần (Nguyễn Sùng). Một lần Đức Thánh Tản Sơn Tinh phò vua Hùng dẹp giặc
Thục xong, Người cùng quân lính đi đến bên bờ sông Tích, nơi có đất đai mầu mỡ,
phong thuỷ hữu tình. Bỗng có một vầng mây hồng xà xuống che trên đầu như một
cái tán khổng lồ trời buông, Sơn Tinh cho đây là điềm lành và đặt tên nơi đây
là Vân Già. Ngài cho xây một Đông cung để mỗi lần đi qua có chỗ trú chân (dân
làng lấy tên ấy đăt tên cho làng mình là Vân Già gọi chệch là Vân Gia). Tại nơi
đây, người đời sau cho xây một đền thờ đặt tên là Đền Và (Đông cung-Đông Chấn
cung). Từ đó trở đi, Đền Và là nơi thờ Đức Thánh Tản để nhân dân dâng hương cầu
thánh, thần phù hộ, độ trì và tưởng nhớ đến vị những thánh, thần bất tử của
trời Nam.
Đến Đền Và bắt đầu từ tấm bia “hạ mã” đặt ở
lối vào, là nơi dừng ngựa, xuống xe, xuống kiệu. Bên ngoài là giếng nước nhỏ,
nước trong ngắn ngắt, ai đến thăm mà được múc nước rửa mặt thì sẽ thấy mình
thanh thoát. Tiếp theo là động ngũ hổ rồi đến Nghi môn - cổng lớn dẫn vào nội
đền, qua khoảng sân rộng là đến nhà tiền tế. Trong Đền Và thờ đức Quốc mẫu;
thời tam vị Đức Thượng đẳng là Đức Thánh Tản Sơn Tinh (Nguyễn Tuấn), Cao Sơn
thần (Nguyễn Hiền), Quý minh thần (Nguyễn Sùng). Ở đền Trung có 4 pho tượng tứ
trấn mình khoác áo bào đỏ, tay cầm vũ khí, trấn giữ 4 phương Đông - Tây - Nam -
Bắc quanh núi Ba Vì. Ngoài hiên là hai pho tượng quan văn và quan võ có nhiệm
vụ lắng nghe lời thỉnh cầu của dân gian rồi trình lên Đức Thánh Tản. Trong Đền
Và còn có 18 đạo sắc phong, 47 đôi câu đối, 18 bức hoành phi, 1 quyển văn tế, 2
tấm bia đá, 3 quả chuông đồng.
Lễ hội Đền Và
Đền Và là nơi
Lễ hội của nhân dân địa phương, nơi thờ cúng Đức Thánh Tản, thánh mẫu và các
huynh đệ của Ngài; là địa điểm du lịch đón khách thập phương đến thưởng ngoạn
và dâng hương lễ Thánh, tỏ lòng biết ơn người anh hùng khai sơn, trị thuỷ từ
thủa hồng hoang. Lễ hội Đền Và là nét đẹp của sinh hoạt văn hoá cộng đồng, văn
hoá tín ngưỡng, văn hoá tâm linh, văn hoá thờ thần thánh, thờ các vĩ nhân và
anh hùng dân tộc. Lễ hội Đền Và có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân
địa phương và du khách gần xa tham gia. Lẽ hội hàm chứa ước vọng thiêt tha của
bà con nhân dân, của cộng đồng về khát vọng chiến thắng thiên tai, vươn lên làm
chủ thiên nhiên. Những hoạt động tâm linh trong lễ hội gắn kết giữa linh thiêng
và đời thường; giữa thánh thiện và trần tục, giữ thánh thần và anh hùng dân
tộc. Lễ hội còn là truyền thống văn hoá, là nét đẹp của những tấm lòng hướng
thiện, sự biết ơn, sự tôn vinh và hướng về cội nguồn.
Theo tục truyền
vào mùa xuân, trung tuần tháng giêng âm lịch lễ hội được tiến hành, nhân dân
trong vùng nô nức kéo nhau về dâng hương hoa cầu sự may mắn cho một năm mới. Có
8 làng tham gia rước kiệu và dự tế ở Đền Và, bao gồm làng Vân Gia, Cầu Trì, Ái
Mỗ, Mai Trai, Nghĩa Phú, Đàm Trai (xã Trung Hưng, Sơn Tây); Phú Nhi (phường Phú
Thịnh, Sơn Tây), Phù Sa (xã Viên Sơn, Sơn Tây); Di Bình (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lạc,
Vĩnh Phúc). Kiệu rước bài vị tam vị Đức Thánh gồm 32 trai tráng khoẻ mạnh thay
nhau khênh (16 người khênh, 16 người thay thế), ngoài ra còn có 4 người nang
quạt che đai và 2 người cầm tán. Khi rước, kiệu chính đi trước đến kiệu văn (để
văn tế và sự tích vị thần), tiếp đến kiệu long mũ của tam vị, sau đó đến kiệu
hương hoa, oản quả. Đám rước đi vào cổng thành cổ Sơn Tây quay một vòng rồi mới
ra bờ sông Hồng, khi nào thấy lá cờ tứ linh gặp gió thổi phất đuôi cờ về phía Nam thì
trở lại Đền Và. Ngày Đền Và lễ hội chính là ngày 15 tháng riêng nhân dân các
thôn và khách thập phương đến dâng hương hoa, oản quả viếng Đức Thánh để cầu
phúc, lộc, thọ. Bên cạnh lễ hội Đền Và, nhân dân quanh vùng còn tổ chức các trò
chơi dân gian như: chọi gà, đấu vật, đánh cờ người, bịt mắt đập niêu, thi nấu
cơm, mặc quần áo, hát các bài hát dân ca mang đậm bản sắc văn hoá Xứ Đoài huyền
thoại.
Ngày nay, Xứ
Đoài đang trên đường đổi mới, kinh tế phát triển, nhân dân ngày càng no ấm, Lễ
hội Đền Và lại càng được chú trọng, thể hiện sự tôn vinh và hướng về nguồn cội,
đây là nét đẹp văn hoá tâm linh của người dân Sơn Tây nói riêng và cả nước nói
chung. Hàng năm, vào ngày đầu xuân Đền Và mở hội, hàng vạn du khách gần xa chảy
về vùng đất thiêng Xứ Đoài dự lễ. Từng dòng ô tô, xe máy đổ về đậu kín bãi đỗ
xe, du khách xuống viếng Đền thắp hương tế tam vị Đức Thánh. Người ta bầy các
vật phẩm của ngon vật lạ: nào chè, nào thuốc, nào bia lon, rượu ngoại, nào tiền
vàng, hoa quả vào các mâm nhôm, mâm đồng dâng lên Đức Thánh, có người lầm nhầm
tự khấn vái, nhiều người nhờ các cụ Thủ từ ở đền cúng hộ, nhưng dù hình thức
cúng vái nào thì ai cũng thành tâm trước Thánh, Mong ngài phù hộ, độ trì cho
tai qua, nạn khỏi, ăn nên, làm ra, sức khoẻ dồi dào, phát triển mọi mặt. Đi lễ
hội Đền Và là món ăn tinh thần, là động lực để mỗi người tự tin hơn, vững bước
trên con đường đổi mới làm giầu cho chính mình, cho quê hương đất nước, góp phần
giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiến
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguyễn Văn Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét